ENG

Phong Cảnh Việt Nam

Dương Bích Liên, Nguyễn Linh, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Xuân Việt, Bùi Xuân Phái

- Grand Opening -

at 22:03 - Thứ Tư, 22/07/2015

- During -

22/07/2015 - 14/10/2015

Đất nước Việt Nam trải dài từ  Nam lên Bắc hơn 2000km. Thiên nhiên ban cho người Việt Nam một dải đất đẹp hiếm có trên trái đất: Núi cao hùng vĩ  ở Tây Bắc  và dải Trường Sơn huyền thoại từ Bắc vào Nam. Hệ thống sông Hồng và sông Cửu Long tạo nên hai đồng bằng phí nhiêu, hai vựa lúa ở hai đầu đất nước.  Các dòng sông nhỏ chảy về biển đông tạo nên những đồng bằng trù phú êm ả ở miền trung. Vùng trung du phiá Bắc và cao nguyên miền Trung hết sức kì bí, nên thơ. Gần ba nghìn cây số bờ biển với vô số  vịnh và bãi biển thuộc loại kiều diễm nhất hành tinh. Hơn năm mươi dân tộc sống chung trên mảnh đất ‘non xanh, nước biếc như tranh họa đồ ‘ ấy.  Sự thay đổi đa dạng của địa hình và khí hậu làm cho phong cảnh Việt Nam trở thành một đối tượng khám phá vô tận với rất nhiều di sản thiên nhiên được quốc tế công nhận. Phong cảnh  đa dạng, phong phú ấy đã góp phần bồi đắp nên sự đa dạng văn hóa cúa các vùng miền và các sắc tộc Việt Nam.

Không có gì ngạc nhiên nếu người Việt Nam tôn thờ phong cảnh thiên nhiên nơi tổ tiên mình sinh sống hàng ngàn năm với nền văn minh nông nghiệp xuất hiện rất sớm. Ngày nay vẫn còn nhiều tục lệ thờ cúng thiên nhiên, thờ thần biển, thần núi, thần sông, thần cây, thần đá… Quê hương với mỗi người đồng nghĩa với phong cảnh làng quê nơi phát tích của dòng họ mình. Có thể thấy vẻ đẹp thiên nhiên cụ thể mỗi tỉnh , mỗi miền tràn ngập trong ca dao, dân ca và các họa tiết hoa văn trang trí tên kiến trúc, đồ dùng và gốm sứ. Tuy nhiên điều bất ngờ là cho tới thế kỷ 20 Việt Nam hầu như không có hội họa, điều này khác hẳn với tình trạng mỹ thuật ở Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản, nơi phong cảnh thiên nhiên đóng  một vai trò chủ đạo trong hội họa. Có thể do không có văn hóa đô thị, không có tầng lớp quý tộc nên các nhà Nho (học giáo điều Khổng học) không có nhu cầu thực hành hội họa và thư pháp. Ở các tranh dòng dân gian mang tính thờ cúng, chúc tụng  cũng không thấy bóng dáng vẻ đẹp của thiên nhiên. Các thế lực thiên nhiên như núi,biển, rừng, mây, mưa, sấm ,chớp…được nhân hóa thành các ‘Thánh mẫu’ kiều mị trong các đền, chùa, miếu và trên các tranh thờ .

Có lẽ chỉ từ cuối thế kỷ 19 mở đầu giai đoạn đô thị hóa thì tranh phong cảnh mới xuất hiện dưới dạng tranh dân gian ở các thành phố. Ở cố đô Huế, ta thấy một số tranh phong cảnh vẽ trên kính rất kì công trong hoàng cung hoặc các tranh nề họa (fresco- mới được phục chế) ở cung An Định. Dân Huế, Sài Gòn và các đô thị  miền Nam rất ưa trang trí nhà cửa bằng các tranh vẽ lên kính mô tả phong cảnh lý tưởng với núi cao, sông, hồ, biển và xóm làng êm đềm ,nên thơ cùng những cảnh sinh hoạt canh tiều ngư mục-cầy cấy, khai thác rừng, đáng bắt thủy sản và chăn nuôi.Ở các đô thị phía Bắc và Hà Nội còn có thêm loại tranh phong cảnh vẽ trên gương soi rất độc đáo. Xung quanh Hồ Gươm tới những năm 1960 vẫn còn thấy bày bán rất nhiều tranh phong cảnh trữ tình vẽ bằng màu phẩm lên giấy bìa được gọi luôn là ‘tranh Bờ Hồ’. Gần đây tại các gallery loại tranh ‘phong cảnh hữu tình’ và viễn dị (exotic) lại xuất hiện trở lại với những phố cây đầy hoa, đồng lúa với những cánh cò bay, hồ sen và làng quê với các thiếu nữ áo dài hay trẻ chăn trâu thổi sáo…rất được du khách ưa chuộng.

Tuy nhiên tranh phong cảnh thực thụ chỉ  xuất hiện với việc trường Mỹ Thuật Đông Dương được thành lập ở Hà Nội năm 1925. Các họa sĩ vẽ đủ loại phong cảnh theo các phong cách hiện thực ,  ấn tượng ,lãng mạn và tượng trưng bằng các chất liệu sơn dầu sơn mài ,lụa và khắc gỗ. V.Tardier, Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí , Lương Xuân Nhị, Lưu Văn Sìn  …đã để lại những tác phẩm xuất sắc.Người họa sĩ dùng phong cảnh để  thể  hiện tình cảm cá nhân, lấy cảnh ngụ tình, thể hiện những ước mơ và rung động lãng mạng của tâm hồn mình hoặc dùng phong cảnh để vẽ ra chốn Thiên Thai- Bồng Lai lý tưởng .Họ đặc biệt say sưa với  các danh lam thắng cảnh (bởi người xưa luôn xây dựng các chùa đền miếu lăng mộ …ở những nơi phong cảnh đẹp nhất).

Trong thời gian hai cuộc chiến tranh hội họa Việt Nam mang đậm chất hiện thực theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa  hoặc xã hội chủ  nghĩa. Thời này loại tranh phong cảnh-sinh hoạt chiếm một vị trí rất quan trọng. Sinh hoạt thường nhật của những người dân nghèo, của nông dân, công nhân và bộ đội thường được mô tả trong thiên nhiên nông thôn, rừng, biển, núi đồi…  kể cả những mô tả thiên nhiên bị bom đạn tàn phá ác liệt. Từ những năm 1960 cũng xuất hiện nhiều tranh phong cảnh đô thị và phong cảnh công nghiệp . Những tranh vẽ phố cổ Hà Nội nhỏ bé, vắng vẻ đầy tình cảm hoài cổ của Bùi Xuân Phái được hâm mộ tới mức chúng trở thành một thứ icon cho Hà Nội cổ và tâm tình người Thủ Đô.

Tranh phong cảnh Việt Nam đã có một thế kỷ truyền thống , đến nay vẫn chiếm một vị trí đáng quý trong mỹ thuật Việt Nam và là một loại tranh được nhiều người yêu mến nhất bởi nó mang chứa tình cảm và tâm hồn người Việt yêu quê hương.

Triển lãm này của 8 Gallery là một minh chứng cho điều đó.

 

Nguyễn Quân

(Xem thêm)