ENG

Sự Sống Thầm Lặng

Phùng Quốc Trí, Vũ Hòa, Nguyễn Xuân Việt, Lưu Công Nhân

- Grand Opening -

at 22:00 - Thứ Ba, 14/07/2015

- During -

14/07/2015 - 14/07/2015

Tĩnh vật trở thành thể loại riêng từ cuối TK 16 ở Hà Lan nơi xảy ra cuộc ‘Cách mạng tư sản’ sớm nhất, nơi tầng lớp tư sản thị dân trở nên động lực xây dựng xã hội mới cùng sự giàu có vè vật chất và tinh thần ở các đô thị. Tiếng Hà Lan là Stilleven - nghĩa là Cuộc sống - Sự sống lặng lẽ, thầm lặng yên ả. Tiếng Anh dịch khá sát là Still Life trong khi tiếng Pháp dịch khá ngô nghê bằng từ Nature Morte - Thiên nhiên chết. Tiếng Việt dùng từ Tĩnh vật - tuy khiên cưỡng nhưng cũng khá đủ ý - tranh vẽ các vật (không vẽ sinh vật sống) và các vật đó không động đậy! Câu hỏi tại sao loại tranh này - cũng như khoa học và chủ nghĩa tư bản chỉ xuất hiện ở chấu Âu vẫn là một câu hỏi hóc búa. Thoát thai từ các chi tiết ẩn dụ trong tranh giáo huấn khắc kỉ: cái sọ người tượng trưng thần chết, nhạc cụ ám chỉ sự u mê, quả thối hoa rữa đồng hồ cát ám chỉ sự ngắn ngủi phù du của  kiếp người, tranh tĩnh vật lại ca ngợi niềm vui sống bất tận nơi trần thế. Sức  sống bình lặng, êm ả mãnh liệt thấm đẫm nơi các đồ vật nhỏ bé, đơn sơ, tầm thường nhất, trong những không gian riêng tư, thầm kín, thân mật nhất .Thời gian hạnh phúc ấy là hàng ngày, là ngày thường không phải dịp đặc biệt ngày đặc biệt nào! Hãy quan sát các đồ vật trong tranh này, sự phong phú, vẻ lộng lẫy, ngạo nghễ, dư thừa, được tôn vinh của đồ bạc và pha lê, bánh mỳ, trái cây và rượu, sơn hào và hải vị… để thấy rằng chủ nhân của ngôi nhà đã dựng nên một vương quốc độc lập, tự do, hạnh phúc cho riêng mình như thế nào. Và bức tranh cũng lần đầu tiên trở thành là một đồ vật tư hữu của thường dân. Chắc chắn nơi lớp trung lưu và nhà giàu mới nổi ở ta cũng đang trào dâng khao khát chiếm hữu và hưởng thụ này như ở Hà Lan khi tranh Stilleven xuất hiện.

Suốt thời Trung cổ con người châu Âu ngước mắt lên vòm nhà thờ cao vọi, trông đợi ân sủng của thượng đế.Tôn giáo và thần học thống trị tâm thức, trí tuệ con người. Sang ‘Thời đại mới’ - Thời Phục Hưng trở đi - khoảng từ Thế kỉ 14/15, bắt đầu ở Italia phía Nam và ở Hà Lan, Đức phía Bắc người ta bắt đầu tin rằng vì Chúa  đã tạo ra con người theo hình ảnh của Chúa nên ân sủng lớn nhất là được làm một con người. Chúa ban cho ta cuộc đời này và ta phải làm chủ nó. Chủ nghĩa nhân đạo phất cờ tiên phong, khoa học kĩ thuật phát triển; tự do lao động, buôn án, làm giàu, hưởng lạc thú trên đời không còn là xấu xa tội lỗi cần tránh xa nữa mà là nghĩa vụ và hạnh phúc. Con người dõi mắt xuống hiện thực trần gian, nhìn ngắm thiên nhiên và xã hội để thăm dò, khám phá và phán xét tất cả! Hiện thực - ở đây là giỏ trái cây - được nâng ngang tầm mắt và chiếm toàn bộ trường nhìn. Tính vật chất của cái giỏ, của lá héo, lá già, lá non, cành tươi, cành khô, trái xanh, trái chín, trái bắt đầu thối rữa… được tái hiện tuyệt đối tập trung, trần trụi, không thêm bớt, khách quan hết mức, vô tình như một bức ảnh khoa học  với độ phân giải cao! Bức tranh này là một sự nổi loạn như chính thiên tài Carvaggio.

 

Con mắt của các họa sĩ châu Âu thực sự đã đi tiên phong. Họ thường đồng thời là triết gia, kỹ sư, công trình sư …dẫn dắt tinh thần và ‘cấu kết’ rất chặt chẽ với tầng lớp doanh nhân, quý tộc và nhà thờ. Vai trò ‘định dạng’ xã hội của họa sĩ rất to lớn chứ không chỉ là anh thợ thủ công cần cù hay anh lãng tử cao ngạo như ở Viễn Đông cùng thời.

 

Ta thấy những tấm tranh nhỏ bé, tầm thường  còn lạc lõng trong nền mỹ thuật quyền quý đồ sộ, hào nhoáng thời Phục Hưng đã mang  tính chất  cách mạng xã hội, cách mạng thẩm mỹ , cách mạng tư tưởng vô cùng to lớn.
 

F. Legér là một chủ soái của phái lập thể muốn nhìn thấy cả thời gian qua các điểm nhìn khác nhau của người quan sát, tạo ra một không gian kiểu mới khác hẳn không gian hai hay ba chiều cổ điển. Ông cũng là  người đi đầu trong phát triển bút pháp ‘lập thể phân tích’  chia cắt các hình thể, phân tích mọi biểu hiện  để  phơi bày kết cấu vật lý bên trong của các đối vật. Tuy nhiên đóng góp lớn nhất của F. Legér về mặt thẩm mỹ lại là vẻ đẹp tươi rói và lạc quan của công nghiệp và xây dựng. Là người thiên tả ông ca ngợi người công nhân như kẻ sáng thế ra thời đại mới và công trường , xưởng máy của ông hiện ra tươi đẹp trữ tình như núi đồi hùng vĩ và đồng hoa nên thơ.

Ở bức tĩnh vật này - một cái bàn ăn nhỏ với một vại bia quá khổ - ta thấy mọi thứ được chia cắt, quy giản về những hình hình học lặp đi lặp lại với các màu cơ bản là đỏ - vàng - lơ và đen - trắng. Các đường thẳng vuông góc và các đường chéo của mặt bàn và gạch sàn nhà không khác hệ giàn giáo ngoài công trường. Vài nét cong uốn lượn to lớn đã ‘mềm hóa’ toàn cấu trúc và thổi thêm không khí hứng khởi tươi vui vào tranh.

F.Legér muốn ‘công nghiệp hóa’ cả những yếu tố thiên nhiên và các sản phẩm thủ công. Ông ca ngợi vẻ đẹp  của sự khúc triết, hàng loạt và duy lý.Vẻ đẹp toàn năng của công nghiệp sẽ chiếm lĩnh toàn nội thất  ngôi nhà riêng tư của cá nhân ta - từ bàn ăn tới phòng tắm, phòng ngủ…cũng như toàn bộ nội giới tâm hồn ta! Tiếng búa máy và cần cẩu sẽ đáng yêu trữ tình như tiếng violon và tiếng sáo trong khúc nhạc đồng quê hiện đại! (Một thời gian dài các thiết kế vải hoa hiện đại chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những sáng tác lập thể như thế này.)

Sự ‘ngây thơ’ của nhà danh họa  có thể là hơi quá nhưng cũng đáng yêu thật !
 

Một bức Tĩnh vật có thể trở thành biểu tượng của một họa sĩ, một trường phái, một thời đại nghệ thuật thế giới.Đó là loạt 12 bức Hoa hường dương của Van Gogh vẽ trong các năm 1887-1889 ở Paris và Arle. Ông thường vẽ những bông hoa cắm trong một cái bình đất liên tục từ sáng sớm tới chiều muộn vì ‘hoa này rất nhanh tàn’. Ông cho rằng cơ sở đầu tiên của hội họa là nét tạo kết cấu vững chắc: Hệ thống nét quằn quại, uốn lượng như lửa, xuắn kết rồi tung tán như xoáy lốc hay gió cuốn, nước chảy đặc trưng cho phong cách Van Gogh. Bản ‘giao hưởng vàng - lục’ của ông quá nhiều cung bậc, tinh tế, hào hùng và bi đát chỉ có thể so với các giao hưởng của Bethoven. Van Gogh quy giản không gian về hai chiều, bình đồ như các họa sĩ Á Đông để nhấn mạnh vẻ đồ sộ phi thường của những đóa hoa  gân guốc, thô nháp, không mày may  hoa mỹ, ẻo lả hay điệu đà ,mời gọi nhàm chán…  Ở bình hoa đó họa sĩ muốn gói trọn một kiếp người, một vòng sống: Sinh ra - tươi non - trưởng thành - yêu thương - sinh sản - già nua héo tàn và chết!  Màu vàng - Van Gogh được một số người lý giải là hệ quả của bệnh thấy ánh vàng hay do kỹ thuật chế màu chói sáng nhờ có gốc chì!  Điều đó dĩ nhiên  là phiến diện bởi trong các bức thư gửi Theo, người em trai, Van Gogh nói ông vẽ loạt tĩnh vật Hoa hướng dương  để thể hiện tâm hồn và tư tưởng của chính ông và của cả một thời đại sẽ tới. Ông tự ám chỉ mình là ‘Người họa sĩ của tương lai’. Hành động vẽ là hành động sống, nét vẽ là chính nhịp đập của máu từ tim và rung động của thần kinh từ khối óc. Trực tiếp, không qua một trung gian nào. Và đó chính là tôn chỉ nghệ thuật của các phái Dã Thú, Biểu Hiện ở Châu Âu và Biểu hiện trừu tượng ở Mỹ suốt cả TK 20.

Hoàn toàn không quá khi nói: Nếu là họa sĩ trẻ sinh sau Van Gogh chắc chắn bạn phải có lúc đã từng coi ông - những bông hướng dương này-  là mặt trời hội họa của mình.

Nguyễn Quân
(Xem thêm)