ENG

Nguyễn Tư Nghiêm (1919)

Hometown:

Nam Đàn - Nghệ An

Graduation:

1946 tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, khóa XV (1941 – 1946)

Archivement:

1957 – 1983 là ủy viên ban chấp hành hội Mỹ Thuật Việt Nam, khóa I.
1984 Triển lãm cá nhân đầu tiên tại Hà Nội.
1996 Giải thưởng Hồ Chí Minh lần I do Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng.
Một số tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng nghệ thuật Phương Đông Moscow.
Hiện Sống và làm việc tại Hà Nội

Đọc Nguyễn Tư Nghiêm - Một mệnh đề đứng riêng

      Nói rằng Nguyễn Tư Nghiêm (sinh 1922) là họa sĩ Việt Nam nhất, thì còn bị bắt bẻ.Nhưng nếu nói rằng trong đời sống cũng như trong nghệ thuật, ông là một riêng biệt hồn nhiên và tự tại, thì hoàn toàn đúng.

      Ở hai phương diện, ông im lặng và thể nhập.

      Gặp Nguyễn Tư Nghiêm, ta có thể tin cái tuyệt đối này: bản chất của nghệ thuật, từ Đông sang Tây, từ Phi sang Mỹ và Châu Đại Dương, là một. Không một nền nghệ thuật, một thế kỷ nghệ thuật, hay một nghệ sĩ nào là hòn đảo hoang trơ trọi cả. Và, cả cái tương đối này, sự tiếp biến và điều hòa văn hóa là hiển nhiên, và ngày càng được con người tôn trọng.

      Nghệ thuật Nguyễn Tư Nghiêm bao hàm một ngữ pháp tổng hòa về nhịp điệu, đường nét và hình tượng của nghệ thuật truyền thống dân tộc.

      Học xong Ecole des Beaux-Art de l’Indochine, nhưng ông không hề theo lối chuyển hóa thiên nhiên thành da thịt chính xác, thậm chí trắng trợn, lên tranh như nhiều thế kỷ của nghệ thuật bác học Phương Tây đã từng phân tích.

      Trái lại, Nguyễn Tư Nghiêm ước định, tổng hợp và tích hợp tất cả vào trực cảm mạnh mẽ và sâu lắng của cá nhân, không biện luận.Còn có thể nói là phi hệ thống cũng được.Nó bác bỏ cái bề ngoài nguyên vẹn, nhưng hời hợt, của sự vật, mà hướng về cái hỗn độn phức tạp bên trong.

      Nếu theo cách nhặt riêng từng chi tiết bằng kiến thức, thì tranh Nguyễn Tư Nghiêm chứa đựng không cứ gì những yếu tố ban sơ của nghệ thuật Đông Sơn, Tây Nguyên hay lão luyện của thời Lê - Nguyễn mà cả tận Châu Đại Dương, Phi rồi Lập thể, Biểu hiện... cho tới tận Pop-Art. Nhưng nhìn bằng cái chung tối hậu của thẩm mỹ, thì tranh ông gây cái cảm giác bâng quơ, tự ngộ, rất thú vị trong cử chỉ hội họa chậm chạp có khi ngớ ngẩn, dở dang. Nó không hề vội vã, thông minh như làm cho bằng được tới một giới hạn gọi là kết thúc của cái máy.

      Ông nói nhiều lần, thận trọng: “Tôi không gắn bó với một nghệ thuật nước ngoài nào cả, tôi chỉ tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có nhân loại và hiện đại”.

      Ông cũng nói: “ Nhìn thấy ở nghệ thuật hoang dã nhiều giá trị lớn”

      Tôi biết ý kiến Nguyễn Tư Nghiêm phát biểu tại cuộc tranh luận Hội họa ở Việt Bắc ngày 27-9-1949 về tranh của một bậc đàn anh, khi chúng ta kiên quyết theo đuổi khuynh hướng nghệ thuật Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Theo ông, họa sĩ này “dùng bàn tay đều đặn như một cái đồng hồ, vẽ cẩn thận, rõ ràng như một cái máy đang quay, im lặng như một cái mặt đứng yên. Thoạt đầu, thấy có những cử động, nhưng nhìn lâu ta hoài nghi, bật ra câu hỏi, đây là người thực phải không? Ta bỗng có cảm giác bị đánh lừa, ở đây có một cái gì chết, giả tạo”. Trước đây ông này nhìn cảnh thực nhưng vẽ hoàn toàn những ý nghĩ, những tưởng tượng của mình. Bây giờ, trái lại, ông bước sang sự thực và bước quá đà, từ ca tụng sự thực đến sùng bái sự thực.

      Nghệ thuật không thể thiếu cái bí mật, và cái tôn thiêng mà tranh Nguyễn Tư Nghiêm xưa nay có vậy. Nhưng điều này buộc ta phải vượt bỏ cái kiến thức tri giác để đi đến cái kiến thức thẩm mỹ. Trước một điệu múa cổ, một Thánh Gióng, một con rồng, một vòm cây, một Thúy Kiều... của ông, ta đừng đặt câu hỏi rằng Nguyễn Tư Nghiêm đã dùng phương tiện hội họa nào, mà nên hỏi rằng vì sao phương tiện hội họa ấy đã được ông lựa chọn ưu tiên, để nói lên cái nhìn riêng của mình vào thế giới.

      Như vậy, ta sẽ trả lời được vì sao trước cái tâm thần ảo dị, lao lung của tác phẩm Nguyễn Tư Nghiêm, người xem dừng phắt lại mà trước nhiều cuộc trưng bày long trọng khác, người ta đã bỏ đi qua.

      Người xem chờ đọc được một cái gì đằng sau cái nhìn thấy.

      Tranh Nguyễn Tư Nghiêm không có cái “có”, và không có cái “không có”.Chúng lướt qua nhau, xâm lấn vào nhau.Nghĩa là ở đó không có sự phân chia cứng nhắc và vô nghĩa mà đời sống thực muốn vậy. Tôi tin rằng, những ý tưởng nghệ thuật im lặng giấu mình của Nguyễn Tư Nghiêm nói lên được nỗi lo âu trắc ẩn của thân phận con người và dân tộc trước sự tranh chấp giữa đức hạnh và thói hư, trước cả sự sụp đổ của tà đạo và quỷ thần.

      Nếu, Nguyễn Tư Nghiêm là mệnh đề đứng riêng trong nghệ thuật hiện đại Việt Nam, thì đó là, bởi ông đã tự chối bỏ cả chính mình, để mặc cho sự cám dỗ bí mật và tôn thiêng của Cái Đẹp lôi cuốn đi.*

Bài viết cho quyển Nguyễn Tư Nghiêm, Nhà xuất bản Mỹ thuật, 1994.

Thái Bá Vân

 

 

----------------------------

 

 

Vẻ đẹp của sự tha thứ

      Ông mặc nhiên được coi là bậc thầy từ khi rất trẻ.Tài năng là cái gì đó hiển nhiên trong ông.Cốt cách cũng như là được thiên phú. Hai cai đó cho phép ông luôn tự tại, tự tin mà “thiền” mà xuất-nhập mà chủ “nhu thắng cương” trong cả nghệ thuật lẫn cuộc đời. Cái đắng cay, cái cô độc, cái nhẫn chịu hay sự hoan hỷ, tự hào, tung hoành sảng khoái… đều có thể thấy trong tác phẩm của ông. Sự phong phú bất ngờ, sự sâu sắc đáng kính nể, sự cổ kính có thực và nét hiện đại “buông tuồng phá phách” hoà làm một trong hội họa của ông làm cho sự phân tích đánh giá trở nên phiến diện. Có những miền khí hậu khác nhau với tất cả những gì ta cảm nhận ở đó khó mà tách bạch từng yếu tố ra được. Nguyễn Tư Nghiêm là một miền khí hậu như vậy trong hội họa.

      Thập niên gần đây ông vẫn tự đủ với những hình tượng đã được ông sinh ra từ trước: Thánh Gióng, Múa cổ, các Con Giống… nhưng hình như tác phẩm của ông tổng hợp hơn. 12 Con Giống có màu sắc hợp phép của y- lí-số và chạy theo vòng tuần hoàn biểu tượng vũ trụ. Các cô gái nửa hư nửa thực ngay cả khi ông vẽ bà Thu Giang. Cả những tranh ông vẽ cho “Sưu tập Thu Giang” cũng như “Cố sự tăng biên” của Lỗ Tấn vậy. Trong sự tổng hợp mới này ta không thấy cái cồng kềnh của những cố gắng hay cái nặng nề của sự triết lý mà thấy toát ra cái thư thản “bất cần đời” của một tâm hồn vị tha và đằm thắm; của sự tha thứ… một “đức tính” tiên quyết để lọt vào “nước Trời”.

Nguyễn Quân