ENG

Bùi Xuân Phái

Hometown:

Làng Kim Hoàng tỉnh Hà Đông

Graduation:

Tốt nghiệp khoa hội họa trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1941-1946

Archivement:

Giải thưởng triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1946
Giải thưởng triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1980
Giải thưởng đồ họa tại Leipzing
1996 Giải thưởng Hồ Chí Minh theo quyết định số 99/KT-CTN ngày 10/9/1996 của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghiã Việt Nam phong tặng

Con mắt của trái tim

      Bùi Xuân Phái ( 1921-1988) là một trong những khuôn mặt đặc biệt, đáng yêu và hiếm hoi nhất của nền mỹ thuật Việt Nam.

      Ở Việt Nam, nếu không kể một biệt lệ là Lê Văn Miến ( 1873-1943) tốt nghiệp trường Mỹ thuật Paris 1895 rồi bỏ nghề, không để lại một ảnh hưởng gì nố nghiệp, thì nền mỹ thuật hiện đại được gắn liền với sự ra đời của trường Mỹ Thuật Đông Dương, do người Pháp mở ở Hà Nội, 1925-1945, và Bùi Xuân Phái là thế hệ cuối cùng.

      Khi ông bước vào trường, 1941, thì thế hệ đàn anh như Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân… đã nổi tiếng ở Paris và Hà Nội từ mười năm trước, tại cuộc triển lãm 1931

      Khi ông ra trường, 1946, thì thế giới nghệ thuật đang bước vào thời kỳ hậu chiến và phân hóa kịch liệt. Picasso, Matisse, Léger đã được xếp hạng là những bậc thầy cổ điển, trường phái Paris đã xa dần. Ở Pháp, B.Buffer, J.Bazaine, E. Hartung, G. Mathieu, P. Soulages, N. de Stael, S. Poliakoff; Ở Đức, A.O. Wols; ở Hà Lan, K. Appel, với những thông báo thẩm mỹ nghịch lý của tâm trạng, cùng một lúc tự do bước lên diễn đàn. Châu âu mở hết cường độ cho xu hướng Trừu tượng trữ tình, và ở Mỹ thì xu hướng biểu hiện trừu tượng.

      Tất cả những hình ảnh đó đều có trong con mắt Bùi Xuân Phái, con mắt của trái tim. Và ông đã tìm được kích thước của chính mình trong khuôn khổ ngặt nghèo của xã hội, để rồi như một mạch nước ngầm, ngày càng lan rộng và thẩm thấu chân thành  đến tận những tâm hồn xa lạ.

      Bùi Xuân Phái là đứa con ruột thịt của Hà Nội, và được coi la họa sỹ số một của linh hồn thành phố này. Phố cổ Hà Nội cô cùng hội họa, và nói theo nghĩa đen của nghệ thuật, thì chính là Bùi Xuân Phái đã phát hiện ra nó. Đây là mảng tranh ưu quyền nhất  của ông mà ông đã theo đuổi trong gần một nửa thế kỷ, cũng như bây giờ chúng còn theo đuổi chúng ta và bạn bè trên thế giới dài lâu.

      Bùi Xuân Phái đã vẽ nó trong mọi tâm trạng, bằng mọi chất liệu và kích thước, từ trên những tấm vải sang trọng đến trên một tờ báo cũ, một chiếc bì thư, một vỏ thuốc lá, một vỏ diêm. Ông đã vẽ nó từ nguyên hình thể đến trừu tượng , khi nó chỉ còn là nhịp điệu và ánh sáng gần, xa của kỉ niệm. Tôi đã gọi nó là “phố tiềm thức” trong mộc cuộc triễn lãm gần đây tại nhà riêng của ông, Ở đó ta có thể nhận ra được bước đi song song như khi P. Mondrian vẽ hàng loạt Cây (1911-1913), hay Mặt biển (1914-1916), như P.Klee vẽ Thành Phố đang bay (1930), như P.Klee vẽ Thành phố đang bay (1930). Làng trong núi đá (1932), Làng và núi đồi (1934)…

      Chính Bùi Xuân Phái cũng không biết là mình đã vẽ bao nhiêu phố cổ, và chúng đã quanh quẩn vào tận những ngõ ngách nào của Hà Nội hay đã lưu lạc tận chân trời nào của Châu Á, Châu Au, Châu Mỹ. Nhưng tôi biết ông rất vui lòng. Mà chính số phận lang thang của tranh ông đã làm ông nổi tiếng.

      Sưu tập Bùi Xuân Phái của Trần Hậu Tuấn là một sưu tập đẹp. Mới và trẻ, nhưng số lượng và chất tranh đều là xuất sắc, ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài.

      Ở đây ta sẽ gặp đường nét của Bùi Xuân Phái, không bao giờ đơn thuần là chu vi của một hình thể, mà sẵn sàng đậm đặc, run rẩy, khác thường. Nó là cái tương đồng hội họa ngay lúc bấy giờ đã nẩy trong ông. Màu sắc cũng vậy, chúng chỉ là tượng trưng cho sự có mặt của một thực tại đã từng được tiên nghiệm. Bởi vậy, phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái có giá trị ký kiệu, chủ quan. Nó ám thị một điều gì khác, nó hòa nhập làm một người họa sỹ vào đối tượng.

      Ta có thể dùng khái niệm Einfuhlung của W. Woringer đẻ nói về tranh của Bùi Xuân Phái: nó là sự “cùng-đẻ ra” của phố cổ Hà Nội. Tác giả và người xem. Mà ông cũng không phải chỉ là họa sỹ của phố cổ, và chỉ thành công ở đấy.

      Ta thử đặt một lần cạnh nhau những phố cổ và những làng quê của Bùi Xuân Phái trong sưu tập Trần Hậu Tuấn. Ta sẽ thấy rõ hơn con mắt của trái tim ông, và tin tưởng hơn ở chủ thể sáng tạo. Cũng như xưa kia, Van Gogh, Cézanne, Gauguin, Marquet đều thành đạt lớn lao và khẳng định chính mình ở những không gian xa vắng, những thị trấn nhỏ,những làng mạc và hòn đảo bị bỏ quên. Và các ông đã kéo dài đời sống mong manh của chúng đến hàng thế kỷ.

      Những nhà tranh vách đất, những đứa trẻ bế em, những con bò kéo xe trên ngõ xóm gập ghềnh, những gốc cây chứa đầy cổ tích của Bùi Xuân Phái đều chung một thế giới nhân văn với phố cổ Hà Nội. Một thế giới tiềm thức và kỉ niệm, nhưng đồng thời chúng lại là hiện tại, những nét khắc ăn sâu nhất vài tâm thức Việt Nam.

      Làng quê Bắc kỳ còn vọng nhiều tiếng trống Chèo trong loạt tranh vẽ sân khấu, dập dình nhịp điệu và màu sắc tươi vui của Bùi Xuân Phái. Ở đây ông duyên dáng và hóm hỉnh lạ thường. Cũng cần để ý hơn một chút đến bản chất đậm đà của sân khấu Chèo, những chiếc yếm đào và quạt xếp, lối bông đùa nhả nhớt nơi đình đám của những gã hề, những nhịp lệch trong dàn nhạc, để cảm thụ động tác hội họa của ông.

      Từ khi xuất hiện mảng tranh Chèo, rồi những minh họa cho tập sách Hề Chèo(1977) và sau đó cho tập thơ nôm Hồ Xuân Hương, người ta mới nhận ra cái khía cạnh dí dỏm đến nghịch ngợm của bàn tay Bùi Xuân Phái. Ở đây, cũng như ở phố cổ Hà Nội, ông luôn là người phát hiện và đứng đầu, tưởng như trước và sau ông vẫn la khoảng trống.

      Bùi Xuân Phái có những gặp gỡ nghệ thuật với trường phái Paris. Gặp Picasso và Matisse trong tinh hoa của đường nét, gặp Marquet trước ánh hắt của biển va sông, gặp Van Gogh trong thâm tâm tự họa, gặp Mondrian và Klee trong tiềm thức phố phường.

      Nhưng bao giờ ông cũng biết tìm và đặt mình đúng giới hạn, nơi ông có thể thao diễn hết cử chỉ hội họa của mình với chân thành vá tự trọng, bao giờ ông cũng giữ được phẩm chất nho nhã và trầm tưởng của người tri thức Việt Nam trước thời cuộc. Và ở đó, còn phảng phất chút sầu tư định mệnh.

      Tôi có được đọc ở trang đầu một cuốn sổ tay (1971) của Bùi Xuân Phái câu sau đây của Rouault ghi nguyên bằng tiếng Pháp: “J’ai éte si heureux de peindre, fou de peinture, oubliant tout dans le plus noir chagrin” (Tôi rất sung sướng được vẽ, mê cuồng hội họa, quên tất cả trong chốn u sầu tăm tối nhất)

      Có khi tôi tự hỏi, nếu hội họa Việt Nam không có Bùi Xuân Phái? Và tôi tự trả lời, thì có một khoảng trống không bù đắp được trong tâm tưởng và hình hài Hà Nội, ở Việt Nam va ở mọi chân trời.

      Tôi xin trân trọng và vui mừng được gặp sưu tập Bùi Xuân Phái của Trần Hậu Tuấn, một người chơi tranh có nhãn thức tinh tường về tác giả và có công gìn giữ cho chúng ta cái tài sản tinh thần vô giá.

Thái Bá Vân
 

Niên biu Bùi Xuân Phái:

1900:           - Từ đầu thế kỷ 20 thực dân Pháp cơ bản hoàn thành nền móng đô hộ ở Việt Nam. Hà Nội trở thành trung tâm chính trị của toàn sứ Đông Dương thuộc Pháp.

1920:          - Bùi Xuân Phái sinh tại Hà Nội (ngày 1 tháng 9).

1925:          - Victor Tardieu thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội.

1929:          - Triển lãm đầu tiên của các sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương (15/11).

1930:          - Đảng Cộng Sản Đông Dương (sau này là đảng Cộng Sản Việt Nam) thành lập.

1935:          - Triển lãm tranh sơn mài nghệ thuật của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Việt Nam.

1935-1940: - Vẽ nhiều tranh vui và minh họa cho một số báo tại Hà Nội: báo “Phong hoá”, báo “Ngày nay”…

1936:          - Vào học lớp dự bị trường Mỹ thuật Đông Dương.

1937:          - Nhà điêu khắc Evariste Jonchère lên thay vị trí hiệu trưởng trường Mỹ thuật Đông Dương của Victor Tardieu.

1939-1945: - Đại chiến Thế giới II.

1940:          - Bắt đầu vẽ phố.

                   - Ông Bùi Xuân Hộ thân sinh ra ông Bùi Xuân Phái mất tại Hà Nội (1877-1940).

                   - Tham dự triển lãm tại Tokyo: Bức tranh “Phố Hàng Phèn” sơn dầu, được bán ngay tại triển lãm. Đây là lần đầu tiên họa sĩ bán được tranh.

1941-1945: - Tháng 7 năm 1941 chính thức trở thành sinh viên khóa XV trường Mỹ thuật Đông Dương. Cùng khóa với Nguyễn Tư Nghiêm, Huỳnh Văn Gấm, Tạ Thúc Bình…

                   - Thánh 12 năm 1943 Mỹ đánh quân đội Nhật và ném bom Hà Nội. Trường Mỹ thuật Đong Dương sơ tán lên Sơn Tây.

                   - Giảng viên trường Mỹ thuật Đông Dương có họa sĩ Tô Ngọc Vân và Nam Sơn.

1945:          - Ngày 9 tháng 3 Nhật đảo chính Pháp, trường Mỹ thuật Đông Dương bị đóng cửa.

                   - Vẽ chân dung Hồ Chí Minh và nhiều chân dung trong tuần lễ văn hóa đón phái đoàn Đồng minh tại Hà Nội tổ chức tại nhà hát lớn và Câu lạc bộ Đoàn kết Hà Nội.

                   - Từ 1925-1945 trường Mỹ thuật Đông Dương đào tạo 149 người. Tốt nghiệp 128 người (118 hội họa v 10 điêu khắc).

1945-1952: - Công tác tại báo “Cứu quốc”, báo “Vui sống” và phòng Thông tin Văn hóa quân khu III. Cùng hoạt động có các nghệ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Nông Quốc Chấn, Nguyễn Huy Tưởng…

1946:          - Dự kỳ thi tốt nghiệp của trường do họa sĩ Tô Ngọc Vân tố chức. Đây là cuộc thi tốt nghiệp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

                   - Giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc.

1947:          - Đi thực tế Thanh Hoá, Cầu Thiều…Tham gia trại sáng tác cùng các văn nghệ sĩ Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Văn Cao, Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tý…

1948:          - Tại chiến khu Việt Bắc vẽ bức “Cây đa nước chảy” (Tuyên Quang) và “Phố Thầu” (Cao Bằng). Vẽ nhiều tranh chân dung và phong cảnh Việt Bắc.

1949:          - Tham gia triển lãm Mỹ thuật do Ủy ban Kháng chiến Liên khu 3 tổ chức. Bức “Dân quân” – sơn dầu và tranh cổ động “Đóng thuế nông nghiệp”.

1950:          - Tham gia triển lãm trong tổng kết thường niên do Hội văn nghệ Liên khu. Bức “Nắng mới”- bột màu và “Nữ du kích”- khắc gỗ.

1951:          - Lấy vợ, bà Nguyễn Thị Sính, sinh năm 1927 (nữ sinh trường Đồng Khánh Quốc học Huế) tại khu IV Cầu Thiều- Thanh Hóa.

1952:          - Trở về Hà Nội sống cùng gia đình tại số 87 phố Thuốc Bắc cho đến cuối đời (24/6/1988).

                   - Sinh con gái đầu lòng, Bùi Yến Lan.

                   - Bị Pháp bắt giam tại nhà tù “Hỏa Lò” Hà Nội 15 ngày vì nghi là cán bộ Việt Minh.

                   - Thể nghiệm sơn mài. Sau khi hoàn thành hai bức tranh “Chân dung” khổ 30x40 cm và “Nông thôn” khổ 50x70 cm, họa sĩ nhận thấy thể tài này không phù hợp với tư chất của bản thân và không bao giờ họa sĩ trở lại vẽ tranh sơn mài.

1953:          - Lập xưởng vẽ tại 87 Thuốc Bắc. Nhóm vẽ có các họa sĩ Hoàng Tích Chù, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Trọng Niết, Tạ Tỵ…vẽ nhiều tranh chân dung thiếu nữ và khỏa thân. Nghiên cứu, tìm tòi theo xu hướng lập thể.

1954:          - Hà Nội giải phóng.

                   - Tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2 bức “Tình quân dân” và “Em yêu hòa bình”.

                   - Sinh con trai trưởng Bùi Kỳ Anh.

1956-1957: - Giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.

                   - Sự kiện Nhân văn giai phẩm.

                   - Sinh con trai thứ, Bùi Thanh Phương.

                   - Thành lập khu tự trị Việt Bắc.

                   - Trở lại Cao Bằng vẽ nhiều tài liệu về phong cảnh miền núi và đồng bào dân tộc. Vẽ “Phố chợ Nguyên Bình” (hiện bày tại Bảo tàng Dân tộc Việt Nam).

1958:          - Tham gia viết và minh họa chon nhiều tờ báo ở Hà Nội với bút danh “Vivu”, “Ly”, “PiHa”.

                   - Sinh con gái thứ tư, Bùi Ngọc Trâm.

                   - Đi lao động ở Nam Định trong chương trình “Ba Cùng” được bố trí vào phân xưởng mộc.

                   - Toàn bộ căn nhà 87 Thuốc Bắc gia đình bán và thay đổi chỗ ở. Riêng họa sĩ Bùi Xuân Phái cùng vợ con thuê lại một phòng tiếp tục sống tại 87 Thuốc Bắc.

                   - Vẽ tại nhà 77 Hàng Bồ cùng họa sĩ Nguyễn Trọng Niết.

1958-1968: - Họa sĩ tự do. Vẽ thiết kế cho sân khấu chèo, cải lương cùng đạo diễn Trần Hoạt, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bắc…vẽ nhiều tranh bột màu và sơn dầu đề tài “Sân khấu chèo”.

1959:          - Sinh con gái thứ năm, Bùi Tuyết Nhung.

1959-1963: - Vẽ nhiều tranh sơn dầu về phố cổ Hà Nội. Bùi Xuân Phái được coi là họa sĩ phát hiện ra vẻ đẹp và dựng nên hình ảnh của phố cổ Hà Nội từ những năm đầu hòa bình lặp lại.

                   - Vẽ nhiều kí họa và sơn dầu về đề tài tranh khỏa thân.

1964:          - Mỹ mở rộng chiến tranh và ném bom miền Bắc Việt Nam.

                   - Được vào trở lại biên chế nhà nước.

                   - Công tác tại “Tổ sáng tác” Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam.

1965:          - Đi thực tế tại Thanh Hóa vẽ nhiều đề tài dân quân, phong cảnh và biển Thanh Hoá.

1966-1968: - Vẽ nhiều tranh sơn dầu phong cảnh nông thôn, phong cảnh miền núi (đề tài về ngựa) và tự họa.

                   - Tầng trên tại xưởng vẽ tại 87 Thuốc Bắc bị sập do trúng tên lửa của Mỹ, một số tranh và nhiều tại liệu bị phá hủy, xưởng vẽ hư hỏng nặng.

1968:          - Đi thực tế Quảng Ninh vẽ nhiều tranh về Cát Bà, mỏ than, Vịnh Hạ Long…

1969:          - Giải thưởng Hội văn nghệ Hà Nội bức “Phân xưởng nhuộm”- sơn dầu tại triển lãm Mỹ thuật Hà Nội.

1970-1972: - Vẽ nhiều tranh trừu tượng trên chất liệu bột màu, sơn dầu. Nhân kỉ niệm 100 ngày sau ngày mất của ông, gia đình mới chính thức giới thiệu bằng một triển lãm chuyên đề tranh “Trừu tượng”, được bày tại gia đình –87 Thuốc Bắc, Hà Nội (Ở Việt Nam mãi đến năm 1993 mới có “Triển lãm tranh trừu tượng” đầu tiên của các họa sĩ hai miền tổ chức tại Gallery Hồng Hạc, Sài Gòn)

-     Mỹ dùng máy bay B52 ném bom Hà Nội trong 12 ngày đêm. Vẽ nhiều tranh trắng đen và bột màu đề tài tự vệ Hà Nội bắn máy bay, tĩnh vật, tự họa…được vẽ dưới hầm.

1974:          - Con trai lớn Bùi Kỳ Anh nhập ngũ quân đội, vẽ nhiều tranh đề tài “Người chiến sĩ trẻ” và chân dung.

1975:          -  Giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất (ngày 30/4).

1976:          - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua bức “Chân dung thiếu nữ”- sơn dầu giá 300 đồng Việt Nam (đây là bức tranh đầu tiên của Bùi Xuân Phái được Bảo tàng Mỹ thuật mua).

1977:          - Con trai Bùi Kỳ Anh xuất ngũ về lại gia đình.

1978:          - Ngày 19/3 con trai Bùi Kỳ Anh mất do tai nạn giao thong. Họa sĩ vẽ nhiều tranh tĩnh vật bàn thờ, hoa quả, nhang đèn như một sự thương nhớ người con trai cả của mình.

1979:          - Đi TP. Hồ Chí Minh 2 tháng (tháng 10 và tháng 11) vẽ nhiều tranh về phố Sài Gòn, phố Hà Nội, chân dung, chèo, trừu tượng với chất liệu sơn dầu. Họa sĩ gặp lại nhiều người bạn đồng nghiệp sau 30 năm đất nước bị chia cắt.

1980:          -  Giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc bức “ Bến phà ở song Đà”- sơn dầu, 97.5 x 70 cm. Hiện bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

                   - Với chính sách mở cửa của chính phủ Việt Nam, bắt đầu có nhiều khách quốc tế đến thăm xưởng vẽ, mua nhiều tranh và đem r nước ngoài.

                   - Sáng tác nhiều tranh sơn dầu kích thước lớn, được vẽ bằng những họa phẩm chất lượng cao. Màu sắc không còn u ám và đã bắt đầu rực rỡ vui tươi. Trên tranh vẽ phố bắt đầu xuất hiện nhiều người đi lại với xe đạp, xích lô…

1981:          - Đi thực tế Đà Nẵng (8 tháng 7 – 30 tháng 8) vẽ nhiều tranh bột màu và sơn dầu về phố cổ Hội An, song Hàn Đà Nẵng, biển Mỹ Khê…

                   - 29 tháng 5 tham gia đóng một vai phụ “Họa sĩ” trong phim “Hi vọng cuối cùng”.

                   - 9 tháng 9 chính thức nghỉ hưu.

1982:          - Về cuối đời Bùi Xuân Phái thích vẽ biển, biển được ông khai thác với đầy đủ trạng thái của nó. Lúc bình yên êm dịu, khi bão tố hung dữ. Đôi lúc các “Nữ dân quân biển Thanh Hoá” lại xuất hiện trở lại, hoặc thiếu nữ khỏa thân vui đùa trên cát như thách thức vẻ đẹp v những khát vọng của những số phận mỏng manh, cô đơn trước thiên nhiên.

                   - Đi Cộng hoà Dân chủ Đức 2 tuần ( 12 tháng 7 – 25 tháng 7) tiêu chuẩn sau khi nghỉ hưu.

                   - Nhận giải thưởng đồ họa (Leipzing-CHDC Đức) bộ tranh minh họa hề chèo.

                   - Được “Ủy ban Công Giáo chống đói vì sự phát triển (CCFD)” mời đi Pháp, không được đi.

                   - 28 tháng 12 tham gia đóng phim “Hà Nội trong mắt ai”.

1983:          - Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Thủ Đô bức tranh sơn dầu “Quốc Tử Giám”.

                   - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua thêm hai bức tranh sơn dầu “Cát Bà” và “Quốc Tử Giám”.

                   - 5 tháng 11 hãng phim UKRAINA, Liên Xô quay bộ phim “Phố cuả Phái” giới thiệu về sự nghiệp và cuộc sống của họa sĩ Bùi Xuân Phái.

1984:          - Lần đầu tiên sau hơn 40 năm lao động nghệ thuật, ông mới được nhà nước cho phép tổ chức một triển lãm cá nhân lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất (khai mạc ngày 22 tháng 12 năm 1984 kết thúc ngày 22 tháng 1 năm 1985). Triển lãm trưng bày 108 bức gồm sơn dầu, bột màu, khắc gỗ, cắt giấy).

                    -Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua thêm ba bức tranh sơn dầu “Phố Phất Lộc”, “Phố Hàng Mắm” và “Ô Quan Chưởng”

                   - Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Thủ Đô bức tranh sơn dầu “Ô Quan Chưởng”.

1985:          - Được bầu vào Ban chấp hành Hội văn nghệ Hà Nội.

1986-1988: - Vẽ nhiều tranh về đề tài khỏa thân và minh họa theo ý thơ của Hồ Xuân Hương.

1987:          - Bà Trần Thị Vân thân sinh ra Bùi Xuân Phái mất tại Hà Nội (1895-1987).

                   - Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Thủ Đô bức tranh sơn dầu “Thiếu nữ bên Hồ”, 81 x 100 cm.

1988:          - Sau triển lãm cá nhân duy nhất (1984) đến cuối đời, họa sĩ vẽ nhiều tranh tự họa. Các bức tranh tự họa ít khi được giữ lâu trong gia đình ông. Nó được bạn bè trong và ngoài nước yêu thích, mua và mang đi ngay cả khi chưa kịp khô sơn.

                   - Tháng 4 lâm bệnh ung thư phổi.

                   - Tham gia đóng phim do Australia thực hiện.

                   - Được “Ủy ban công giáo chống đói vì sự phát triển (CCFD)” mời đi Pháp và được sự chấp thuận chính thức của Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam. Chuyến đi không thực hiện được vì Bùi Xuân Phái đang nằm bệnh viện.

                  - Mất hồi 2h40 phút ngày 24 tháng 6 tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, hưởng thọ 68 tuổi.

                  - Ngày 27 tháng 6 năm 1988 lễ tang được cử hành tại trụ sở Hội Văn nghệ Hà Nội. An táng tại khu  A nghĩa trang Văn Điền.

                  - Cùng năm này hoạ sĩ Dương Bích Liên mất ngày 12 tháng 12 tại Hà Nội và họa sĩ Nguyễn Quang Sáng mất ngày 16 tháng 12 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hà Nội ngày 31 tháng 5 năm 2003

 

Bùi Thanh Phương-Trần Hậu Tuấn